Các bạn có thể thấy, khi mưa rơi xuống một cây, hay một khu rừng, nước mưa sẽ được chia thành các phần khác nhau:
Lượng bốc hơi nước từ đất và bốc thoát hơi nước từ cây (Evapotranspiration): Đây chính tổng lượng bốc hơi từ bề mặt đất (Evaporation) cộng với thoát hơi nước từ thực vật (Transpiration). Nước chuyển hoá từ trạng thái lỏng sang khí gọi hơi nước. Quá trình này chỉ diễn ra trên bề mặt chịu tác động trực tiếp của bức xạ mặt trời. Thân cây có đến hơn 50% là nước và nước được bốc thoát hơi nước qua lá, thân. Đây chính là quá trình quan trọng trong chu trình thuỷ văn.
Lượng nước giữ lại bởi tán lá (Water intercepted): Đây là khả năng ngăn cản lượng mưa tiếp xúc trực tiếp đến đất. Thực vật có ngăn nước theo hai cách: hứng lượng mưa trên bề mặt lá trong tán cây và lớp bì thực vật (lá hoặc cành khô) trên mặt đất. Nước bị chặn có thể chạm tới mặt đất bằng cách nhỏ giọt từ tán cây hoặc chảy xuống thân cây. Khi mưa rơi, những giọt nước đầu tiên bị lá và thân của thảm thực vật chặn lại. Tuỳ thuộc vào mỗi loài cây và kích thước của cây, một cây có thể chứa 100 gallon nước (khoảng 454 lít nước) sau trời mưa 1 - 2 inch (1 inch khoảng 16,4cm3). Bên cạnh đó mỗi loại hình rừng khác nhau mà khả năng giữ nước sẽ khác nhau. Theo Llorens (1999), lượng nước giữ lại trên tán của rừng lá kim dao động từ 15 - 25%, rừng rụng lá từ 10-20%, cây bụi từ 5 - 15%, thảm tươi từ 10 - 15% và vật rơi lá rụng từ 1 - 5%.
Nước thẩm thấu tạo chảy ngầm (Infiltration): Hạt mưa rơi xuống, bên dưới bề mặt đất với khoảng không giữa các hạt sỏi, cát, đá, đất sét hoặc rễ cây mục tạo điều kiện cho nước mưa ngấm sâu vào lòng đất. Khi nước được ngấm và thẩm thấu vào đất giúp bổ sung nước vào dòng chảy ngầm.
Dòng chảy bề mặt (Water Runoff): Nếu lượng mưa càng lớn vượt quá khả năng thấm hút của đất sẽ tạo thành dòng chảy và hình thành các dạng lũ (lũ lụt, lũ quét). Đặc biệt đối với những khu vực không có rừng, thảm thực vật, dòng chảy mạnh sẽ khiến đất đá bị xói mòn, cuốn trôi gây sạt lở.

Khi có cây, có rừng, lượng transpiration, evaporation, infiltration, water intercepted đều tăng, làm cho lượng run off (dòng chảy mặt) giảm hẳn. Việc này khiến cho khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống, lũ lụt thấp hơn nhiều. Khi có rừng có thể giảm khoảng 65% lượng nước chảy xiết, lũ lụt gây nên cho cộng đồng dân cư hạ lưu (Theo Tree Martter). Đồng thời nước từ rừng, hay từ mạch nước ngầm sẽ cung cấp nước từ từ cho các vùng hạ lưu giúp điều tiết nước tốt hơn, đặc biệt trong mùa khô.
Chính vì thế, trồng 1 cây cho rừng giúp giữ lượng nước vào mùa mưa bão, giảm thiểu lũ lụt và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.