Trong bếp ăn của người dân tộc Thái và Mường thì không thể thiếu loại gia vị này, nó được xem như là loại hạt tiêu của rừng vừa thơm lại vừa cay nồng và là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc. 

qua-mac-khen-kho-1645585837.jpg
Mắc Khén Khô
  • Tên thường gọi: Cây Mắc khén
  • Tên gọi khác: Cây Cóc hôi, Hoàng mộc hôi, Sẻn hôi, Vàng me..
  • Họ thực vật: Cây thuộc chi Hoàng mộc, họ Cam
  • Nơi sống: Cây thường mọc hoang trong rừng cận nhiệt đới, nhiệt đới thường xanh hoặc đồi núi thấp của khu vực phía Bắc.
  • Tuổi thọ: Là cây sống rất lâu năm
  • Phân bố: Ở nước ta, cây mọc nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng,  Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang…. 

 Đặc điểm của cây Mắc khén :

- Mắc khén là cây thân gỗ, thẳng đứng, vỏ cây màu xám trắng thân nhiều gai nhọn lởm chởm từ gốc tới ngọn.Cây Mắc khén cao từ 10 – 15m, cây cổ thụ có thể cao đến 20m. Lá cây thuộc dạng kép lông chim một lần lẻ hoặc chẵn, mọc cách. Lá màu xanh đậm, hình bầu dục thuôn dài, chóp nhọn, mép lá có răng cưa. Hoa mắc khén là hoa đơn tính, khác gốc, lá noãn rời thường mọc thành từng chùm có màu trắng xám ở đầu cành, thường ra hoa khoảng tháng 6 – 7 năm. Quả mắc khén là có hình tròn, nhỏ như viên bi, khi non màu xanh và chuyển màu hồng khi già và đổi màu đen óng khi chín. Quả bắt đầu chín khoảng tháng 10 – 11 âm lịch hàng năm. Khi quả mắc khén khô tự nứt vỏ lộ ra hạt nhỏ màu đen bóng, vỏ tươi giống như mùi he của vỏ cam, nhưng cảm giác nhẹ và dễ chịu hơn. Hạt là bộ phận chính của cây được  dùng trong ẩm thực Tây Bắc.

cay-mac-khen-1647879692.jpg
Cây Mắc Khén Trong Tự Nhiên

Cách sử dụng hạt mắc khén

   Cũng như hạt dổi, công dụng chính của mắc khén là một loại gia vị tương tự như hạt tiêu, ớt, giúp cho món ăn tăng thêm độ cay và thơm ngon hơn.Mắc khén có thể dùng trong mọi món ăn kể cả cá, gà, bò, lợn… và dùng trong mọi món chấm từ thịt, hoa quả đến rau.

   Chúng gần như xuất hiện trọng mọi món ăn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Lấy vài hạt, giã và cho vào đồ chấm, hay tẩm ướp, các món ăn sẽ tăng thêm nhiều lần sức hấp dẫn

cham-cheo-1647880467.jpg
Món Chấm Chẳm Chéo Tây Bắc Với Mùi Vị Đặc Trưng Của Hạt Mắc Khén
pa-pinh-top-1647880939.jpg
Món Cá Nướng Pa Pỉnh Tộp với nguyên liệu đặc trưng Mắc Khén

Dược Tính Của Quả Mắc Khén

   Quả mắc khén chứa 0,24% alcaloid và tinh dầu, trong khi đó vỏ quả chứa d-terpinen, d-a-phellandren, 4-caren, b-pinen, d-a-dihydrocarvol, 4-terpinol và dl-carvotanacetone; ngoài ra có chất kháng khuẩn.

Công Dụng Khác Của Hạt Mắc Khén

   Hạt mắc khén có tính ấm có tác dụng giảm đầy bụng, đau bụng khó tiêu, điều hòa và kích thích hệ tiêu hóa ổn định, chống táo bón, trị đầy hơi, giảm đau dạ dày, các bệnh về đường ruột, góp phần xây dựng một hệ tiêu hóa khỏe mạnh cho gia đình bạn. Ngoài ra hỗ trợ điều trị cảm lạnh, loại bỏ khí hàn và kháng khuẩn cho cơ thể của bạn.

  Hạt mắc khén đem đun sôi cùng một chút muối trắng dùng làm nước xúc miệng có vị thơm, tê tê và có khả vệ sinh răng miệng do có chất kháng khuẩn.

Lưu ý khi sử dụng hạt mắc khén

  •    Hạt mắc khén có tính cay và ấm nên những người bị nóng trong người nên dùng ít lại một chút nếu dùng nhiều sẽ rất dễ nổi mụn, nóng trong người gây rất khó chịu
  •    Khi dùng mắc khén làm gia vị không nên dùng nhiều quá vì nó sẽ đắng món ăn. Mà ít quá thì lại không thấy được độ ngon của hạt. Nên tốt nhất bạn chỉ cần 1 lượng vừa đủ thôi là được.
  •    Bảo quản hạt mắc khén túi kín ở những nơi thoáng mát, tránh để những nơi nóng ẩm. Để hạt mắc khén giữ được hoàn toàn hương vị và chất lượng tốt nhất