Cuối năm, công việc đồng áng đã xong, ông Huỳnh Thúc Ne (57 tuổi, dân tộc Raglai), ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để đan gùi. Tán cây điều tỏa bóng mát trước nhà là nơi mỗi ngày ông ngồi cặm cụi vót tre, chẻ nan, đan lát.

1-ong-ne-dan-gui-tre-jpg-8438-1643418176-1645094861.jpg
Ông Huỳnh Thúc Ne đang gùi, tháng 1/2022. (Ảnh: Việt Quốc)

Mấy hôm nay, ông Ne đang làm chiếc gùi cỡ lớn cao 40 cm, đường kính miệng 30 cm. Chiếc gùi đã được người dân trong làng đặt từ tuần trước. Mắt chăm chú, tay ông thoăn thoắt cài từng thanh lạt vào nhau, đều răm rắp, tạo nên họa tiết đẹp mắt. "Đan gùi phải tỉ mỉ từng li, nếu không sẽ bị vênh, lạt không khít, gùi thô và xấu", ông nói.

Vật liệu làm gùi chủ yếu là tre lồ ô và dây mây được lấy từ cánh rừng cách nhà 3 km. Ông Ne thường chọn các cây tre thẳng đều vừa tuổi, tầm 4-5 năm, không quá non và cũng không quá già. Bởi nan tre quá non khi khô sẽ teo tóp, còn già quá sẽ giòn, dễ gãy khi đan.

Ngoài ra, thời điểm chặt phải tránh ngày trăng sáng vì theo quan niệm của người Raglai, chặt lúc có trăng, tre nhanh mọt. Tre được mang về, đo, cưa từng khúc, rồi chẻ ra từng thanh theo kích thước chuẩn đều. Các thanh tre phơi khô ráo lại được chẻ thành từng nan nhỏ, vuốt nhẵn, dẻo dai.

Cùng với tre, mây cũng quan trọng không kém, dùng để làm dây đeo, lạt buộc miệng vành và chân đế. Khi thân gùi đan xong, người thợ sẽ gắn dây đeo mây vào.

Đế gùi làm bằng gỗ có độ dẻo, dễ uốn, thường là gỗ cóc. Đế cao chừng 10 cm, được đính chặt dưới thân giúp gùi đứng vững trên mặt đất, sàn nhà. "Một cái gùi lớn, tôi mất khoảng một tuần để hoàn thành, thường được bà con trong làng mua với giá 600.000 đồng một cái, gùi nhỏ hơn 500.000 đồng", ông Ne cho biết nghề này giúp gia đình thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.

2-dan-gui-jpg-2965-1643418176-1645094861.jpg
Miệng gùi được buộc chặt bằng dây mây. (Ảnh: Việt Quốc)

Ở xã vùng cao Mỹ Thạnh hiện còn gần chục người giữ nghề đan gùi. Hầu hết đều ở độ tuổi trên 50. Ông Lê Văn Hoa, ở cách nhà ông Ne gần cây số, cũng đang làm gùi, học nghề đan từ những người lớn tuổi trong làng. Lúc mới học, ông Hoa đan, gùi thường bị méo hoặc nan lạt lỏng lẻo, không khít. Qua thời gian, ông thuần thục mọi động tác, trở thành một trong những người đan gùi giỏi của làng.

"Chiếc gùi đẹp nhưng phải bền nữa, dùng ít nhất 5-10 năm mới thể hiện được tay nghề của người đan giỏi", ông Hoa nói.

Người miền núi thường làm rẫy và đi rừng ở địa hình đồi dốc, nên từ xa xưa người Raglai cũng như K’ho ở Bình Thuận xem gùi là dụng cụ mang vác tiện lợi. Gùi dùng để đựng đồ ăn thức uống đi rẫy, thu hoạch lúa gạo, bắp, măng rừng, củi khô, bình nước... với sức chịu trọng lượng đến 40 kg.

Phụ nữ, đàn ông, trẻ con, người lớn đều dùng gùi trong mọi sinh hoạt, công việc sản xuất. Do đó, đến vùng cao, hình ảnh chiếc gùi rất gần gũi và quen thuộc trên đường, trong từng thôn xóm. Không những người đi bộ, mà người đi xe gắn máy cũng mang gùi trên vai.

Theo ông Hoa, nhiều nghề truyền thống trong làng như dệt vải, làm nỏ bị mai một, nhưng nghề đan gùi vẫn còn vì nó phục vụ nhu cầu thực tế của đời sống người dân miền núi. Ông cũng như các nghệ nhân ở làng luôn ý thức việc giữ nghề và xem đó như là trách nhiệm.

"Trong làng, mấy thanh niên ham học hỏi, chúng tôi đều chỉ dạy để truyền nghề cho thế hệ mai sau", ông Hoa nói.

3-gui-qua-tet-jpg-5718-1643418176-1645094861.jpg
Bà Lê Thị Sơ, người dân xã Mỹ Thạnh địu quà Tết về nhà bằng gùi tre. (Ảnh: Việt Quốc)

Mỹ Thạnh là xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 45 km, nằm giữa những cánh rừng bạt ngàn thuộc rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét, giáp ranh với hai huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc.

Đa phần dân số tại đây là người Rai (Raglai) bản địa, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp (bắp, mì, lúa, đậu) và thu nhặt sản vật rừng như nấm linh chi, hái măng, mật ong rừng... Tiếp cận với cuộc sống hiện đại nhưng họ vẫn ý thức gìn giữ nét văn hóa của ông bà tổ tiên.

Ông Trần Ngọc Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, cho biết chính quyền xã khuyến khích người dân địa phương giữ gìn các nghề truyền thống. Tới đây, khi du lịch sinh thái núi rừng phát triển ở xã, nghề đan gùi sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng, góp phần quảng bá nét đẹp người vùng cao.