Để thu được loại nhựa này, người ta phải thức dậy từ sáng sớm trước khi mặt trời lên vì sau đó, cây sơn sẽ không tiết nhựa nữa. Khoảng 300 cây sơn mới thu được 1kg nhựa. Thế cho nên, sơn ta vô cùng quý hiếm. Thêm vào đó, nó có độ dính cao, khi sơn khô thì rất bền, không thấm nước, không mối mọt, chịu được axit và nước biểm, chịu được nhiệt độ cao. Mặt sơn dễ mài phẳng, có độ bóng cao và tạo độ sâu tốt, giúp tôn màu sắc sâu thẳm và bền màu. Và độc lạ là, càng để lâu thì càng lên "màu thời gian" rất đẹp.

son-mai-1661823072.jpg

Sơn ta có khả năng đặc biệt khi kết hợp với các vật liệu truyền thống như vỏ trai, vỏ trứng, vàng bạc và bột màu để tạo ra những hiệu ứng lung linh và huyền ảo mà không chất liệu nào sánh được. Ngày nay, với một hành trình rất dài và có rất nhiều con đường mới được mở ra, sơn Nhật hay sơn công nghiệp được nhiều họa sĩ lựa chọn sử dụng thay cho sơn ta trong sơn mài. Về kỹ thuật áp dụng không có nhiều sự khác biệt, tuy nhiên, hiệu quả thẩm mỹ thì có sự khác biệt đáng kể như: sự tịt và lì màu, không có chiều sâu của sơn Nhật so với sơn ta. Sơn Nhật đáp ứng nhu cầu nhanh và giảm tải được thời gian chế tác tuy nhiên phai màu nhanh, bong tróc nhiều...Bởi thế mà dù cho quý, hiếm và đắt giá hơn hản, nhưng vẻ đẹp của sơn ta vẫn luôn là thứ được ngưỡng vọng và là tiếng nói đại diện của tranh sơn mài Việt Nam.

Chính bởi vẻ đẹp không gì sánh được và thay thế được ấy mà dù sơn ta có xuất hiện từ rất xa xưa nhưng vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để thế hệ tiếp nối vẫn có thể khai thác và đổi mới liên tục. Bên cạnh những họa sĩ tìm đến sơn công nghiệp để thay thế, thì vẫn còn rất nhiều những họa sĩ đam mê và bên bỉ với sơn ta - sơn mài truyền thống. Tiêu biểu là những họa sĩ trong Nhóm họa sĩ sơn ta, hoạt động tại Hà Nội với rất nhiều hoạt động ý nghĩa để gìn giữ và phát triển sơn ta trong sơn mài Việt. Nhóm đã tổ chức được 4 buổi triển lãm chung với hàng trăm tác phẩm trưng bày tại Hà Nội. Đây được coi là sự đóng góp to lớn và tích cực cho hoạt động sáng tạo mỹ thuật và góp phần quảng bá rộng rãi các giá trị nghệ thuật truyền thống đến giới thường thức trong và ngoài nước.